Ly Uyên | Điềm triệu (Ngoại truyện về Viên Duẫn Đàn)

Điềm triệu

Vào ngày thế tử của Bình Loạn hầu mừng trăm ngày tuổi, một cơn mưa tuyết dày hiếm có bao phủ Lân Tiêu. Phóng tầm mắt đến đâu đều chỉ thấy tuyết bay mờ mịt, tựa hồ đất trời hỗn mang vừa chớm khai sinh.

Nhà họ Viên độc đinh đã ba đời. Bình Loạn hầu Viên Tương có con mọn tuổi trung niên, cả phủ vô cùng vui vẻ. Dẫu thời tiết khắc nghiệt, ngựa xe vẫn chật kín như nêm bên ngoài Hầu phủ, tiếng nói cười hết sức rộn ràng. Nào là quan chức quý tộc, nào thương nhân có tiếng, đều đưa nữ quyến đến Hầu phủ uống chén rượu mừng Viên thế tử trọn trăm ngày tuổi.

Bình Loạn hầu còn đặc biệt mời Lý Dịch, một thầy bói nức tiếng Lân Tiêu. Tiệc rượu tan, Lý Dịch được mời vào phòng trong để suy tính đường danh lợi về sau của Thái tử.

Đứa bé nằm yên trong chăn ấm, ánh mắt kháu khỉnh nhìn Lý Dịch đăm đăm như đang chờ đợi ông ta bói ra điềm lành.

Lý Dịch nhìn thế tử một hồi, cười khà xong lại thở dài lắc đầu, nói thẳng ba tiếng, "Thật đáng tiếc."

Thoắt chốc Bình Loạn hầu biến sắc, còn Viên phu nhân mắt đã ứa lệ. Hầu phủ tổng quản Từ bá hít sâu, vội hỏi: "Sư phụ đừng than thở vội. Nếu có điềm chẳng lành, xin sư phụ ban cho cách hóa giải."

Lý Dịch cười, "Không. Không phải. Tiểu Hầu gia sáng lạn cả đời, là rồng phượng giữa loài người. Lão thấy khói tiên thiên đình vờn quanh, hẳn ngày sau làm nên việc lớn."

Bình Loạn hầu mới bình tỉnh lại, hỏi thêm, "Nhưng sư phụ vừa nói tiếc nuối, ý là gì?"

Lý Dịch lại lắc đầu, "Không thể nói, không thể nói. Đó là thiên cơ, há có thể tiết lộ?"

Tất nhiên Bình Loạn hầu không bỏ qua, nghiêm mặt lạnh giọng, "Sư phụ giỏi bói toán nhất Lân Tiêu, không ai không biết. Thế nào hôm nay không chịu nói?"

Lý Dịch là người học đạo bình thường không quan tâm trần thế. Nhưng lão ở Lân Tiêu đã lâu, cũng thường ra vào nhà quan quý nên cũng biết nhìn mặt người mà cư xử để được ban ân. Lão nghe giọng Bình Loạn hầu bèn hiểu nếu không nay không nói, chỉ e sau này khó sống ở Lân Tiêu. Lão định nói qua loa cho xong chuyện, nhưng vì đạo nghĩa mà khó mở lời. Rốt cuộc, lão thở dài một hơi, ước chừng mình trốn không nổi kiếp này.

"Nếu Hầu gia đã muốn biết, Lý Dịch dĩ nhiên biết đến đâu nói đến đó. Nhưng có người ngoài, không tiện."

Bình Loạn hầu đưa mắt nhìn Từ bá toan lui ra ngoài, cười bảo, "Không sao, Từ bá là người trong nhà."

Lý Dịch ngưng thần, nói: "Con trai ngài ngày sau nhất định nổi danh bốn bể, uy chấn chư hầu. Tiếc nuối nhất là sinh ra trong Hầu phủ!"

Bình Loạn hầu gấp gáp hỏi, "Nói vậy là sao?"

Lý Dịch cười lớn, "Nếu con trai ngài sinh ở hoàng gia, hiển nhiên sẽ đăng cao cửu ngũ, đời này sẽ thành minh quân thánh hiền." Lão vừa thốt ra, Bình Loạn hầu xanh mặt khiếp hãi. Từ bá ở bên cạnh thì nín thở. Lý Dịch lựa lời nói tiếp, "Nếu sống ở nhà quan bình thường thì trở thành tài tử phong lưu, ngâm thơ làm phú đùa hoa trêu nguyệt, lưu danh đời sau, hoặc dùi mài kinh sử, thăng quan quan tiến tước, quyền to chức trọng, làm vinh danh tiên tổ. Chỉ tiếc rằng cậu ấy sinh vào Hầu gia. Nhìn lên trên, không thể cai quản thiên hạ. Nhìn xuống dưới, không thể giữ lòng mình. Tiến không được, lùi không xong. Ở cuối đời nhìn lại là dưới một người trên vạn người, nhưng ngoài mặt rỡ ràng, trong dạ chôn đau. Thật là đáng thương."

Dứt lời, lão hướng về phía Bình Loạn hầu mà cúi sụp người vái lạy, đoạn đứng lên quay lưng phất áo ra đi, vừa đi vừa cười lớn, "Mệnh Lý Dịch từ nay là hết."

Bình Loạn hầu nhìn lão đi xa, rồi nhìn sang con trẻ nằm trong ngực phu nhân đã ngủ say từ bao giờ.

Một tháng sau, thầy bói Lý Dịch phơi thây ở ngoài thành Lân Tiêu. Áo quần của lão rách nát, tiền tài trong người đều bị lột sạch, hẳn là lão đã gặp cướp. Lão liệu sự như thần cả đời, ấy vậy mà không lường được tai bay vạ gió cho chính mình. Nhưng Lý Dịch lúc chết, trên mặt không hề kinh hãi, nhìn rất bình yên. Có người nói lão đã buông xác phàm tục, hóa thân làm thần tiên bay đi mất.

Ba tháng sau, Bình Loạn hầu phủ gặp nạn, tổng quản Từ bá trung thành bảo vệ chủ, bị cướp giết chết. Từ bá là thân tín của lão hầu gia, mấy chục năm ở trong Viên phủ, chưa bao giờ hai lòng. Bình Loạn hầu gia đau lòng khôn kể, bèn treo thưởng bắt thủ phạm. Việc không thể bắt được tên cướp đã sát hại Từ bá là ăn năn cả đời của Hầu gia.

Cho đến nay, Viên Duẫn Đàn cũng không biết vào lúc mình trăm ngày tuổi đã từng có sự tiên đoán đáng sợ như thế. Y chỉ nhớ rằng từ lúc bắt đầu biết suy nghĩ, tổ phụ và phụ thân luôn luôn răn dạy rằng vua tôi khác biệt, như mặt trời và mặt trăng, như trời và đất. Bởi nhà họ Viên nhận vinh sủng lớn lao nên càng phải thận trọng không để lộ chút sơ hở cho người lợi dụng. Lúc ấy, tổ phụ tuổi già, đã truyền tước vị Hầu cho cha. Mọi người theo đó gọi y là tiểu hầu gia. Duy Thiên Kỳ đế, nhân lúc y vào cung chơi sẽ ẵm y ngồi trên gối mà trìu mến gọi tên của y. Một lần nọ, Thiên Kỳ đế bế y, hỏi, "Duẫn Đàn, con nhỏ hơn Ly nhi của trẫm một tuổi. Sau này các con phải như anh em, được không?"

Viên Duẫn Đàn chưa kịp trả lời, người cha bên cạnh y đã hoảng sợ quỳ xuống, hô to bệ hạ. Ông nói, khuyển tử không tài không năng, sao dám sánh cùng Thái tử.

Thiên Kỳ đế cười nhẹ, bảo: "Trẫm chỉ thuận miệng một câu, vì sao làm lớn chuyện như vậy? Viên Tương, ngươi cẩn thận thái quá."

Lúc ấy, Viên Duẫn Đàn chưa tròn ba tuổi, ánh mắt ngây ngô tò mò. Y vểnh môi, từ trong lòng Thiên Kỳ đế nhảy xuống, bắt chước cha quỳ lạy hoàng đế.

Thiên Kỳ đế quan sát kỹ đứa trẻ nghiêm trang bên dưới, lại cười, "Viên Tương, nó lớn lên nhất định giống ngươi."

Về sau, như con cháu quan lại, Viên Duẫn Đàn học tập với thầy giáo do Hầu phủ mời về. Lớn lên một chút, dưới sự sắp xếp của Thiên Kỳ đế, y vào cung cùng đi học với Thái tử.

Lần đầu tiên y thấy Ngụy Ly, Ngụy Ly đang ngồi ở bệ cửa sổ thư phòng, lưng xoay về phía cửa chính, thong thả ngắm nhìn cảnh vật ben ngoài. Từ sau lưng nhìn tới, ánh nắng làm mái tóc đen của hắn chuyển thành những sắc nâu, khiến cả người dường như đang tỏa ra thứ ánh sáng mềm dịu. Viên Duẫn Đàn không biết có nên quấy rầy hắn hay không. Y đứng bên cửa một hồi mới quyết định lên tiếng, "Thái tử điện hạ."

Thiếu niên ngồi bệ cửa sổ chợt quay đầu lại, nhìn y cười đắc ý, "Ta vẫn đang nghĩ cậu sẽ ở ngoài cửa bao lâu." Hắn không bước xuống, chỉ ngoắc tay gọi Viên Duẫn Đàn, "Tiểu Viên, tới đây. Có hai con chim tước đang đánh nhau, vui lắm. Cậu đến đây mà xem."

Trong khoảnh khắc hắn ngoái lại, ánh nắng bỗng dưng trở nên chói lòa đến mức Viên Duẫn Đàn không thể thấy rõ đường nét khuôn mặt ấy. Y chỉ nghe hắn gọi mình Tiểu Viên một cách thật hiển nhiên. Ngụy Ly thấy y đứng ngây ngô ở cửa chưa chịu bước tới, chợt hắn như nghĩ ra điều gì, rồi cũng không nói chi cả. Hắn chỉ nhích sang bên một chút, thế là khung cửa sổ trở nên đủ rộng lớn cho hai thiếu niên.

Viên Duẫn Đàn nở nụ cưới bước tới, cũng trèo lên ngồi trên bệ cửa sổ như Ngụy Ly. Thái tử đang mải mê xem hai chú chim đánh nhau thì giật mình trước động tác của Viên Duẫn Đàn, bèn kêu ái da một tiếng. Thế rồi hắn lơ đãng bảo Viên Duẫn Đàn, "Cậu qua đây rồi là được, giờ chúng ta tìm thứ khác chơi."

Lúc đó, chợt Viên Duẫn Đàn vỡ lẽ, rằng Ngụy Ly vừa rồi chỉ muốn y đến gần, có xem mấy chú chim hay không không quan trọng. Về sau, khi hai người đã thành bạn bè tri kỷ, y từng tò mò hỏi Ngụy Ly rằng nếu lúc ấy y sợ hãi quay người bỏ đi mất, Ngụy Ly sẽ làm thế nào.

"Ta còn biết làm sao đâu." Ngụy Ly bĩu môi, trợn mắn nhìn Viên Duẫn Đàn, "Ta không có cách nào đâu. Cơ mà trong cung, ta chỉ có mỗi mình đệ làm bạn. Làm sao đệ có thể không màng đến ta, bỏ ta đi mất?"

Viên Duẫn Đàn cười khanh khách, "Tôi không bỏ ngài."

Về sau, cách ra lệnh đặc thù này của Ngụy Ly khiến triều thần nhà Ngụy thường xuyên run sợ. Họ chưa bao giờ thấy lúc Cẩn Hâm đế thực sự giận dữ. Hoàng đế nói chuyện luôn đơn giản dứt khoát, bên dưới ngữ điệu nhàn nhã như gió như mây là thứ quyền lực không thể xâm phạm. Nhưng Viên Duẫn Đàn luôn nhớ rõ, ngày xưa, Ngụy Ly từng nói, "Ta còn biết làm sao đâu." Câu nói ấy bất lực và non nớt như chính tuổi tác của ngài khi ấy, khi ngài như bao đứa trẻ khác, luôn sợ cô đơn và bị chối từ.

Y cũng nhớ rõ rằng mình chính miệng nói với Ngụy Ly, "Tôi không bỏ ngài."

Lời hứa thuở thiếu thời cũng có thể kéo dài suốt đời suốt kiếp. Từ ngày đầu gặp nhau đến mãi về sau, Viên Duẫn Đàn vẫn giữ đúng lời hứa. Y luôn im lặng ở bên cạnh Ngụy Ly, có chịu đựng thế nào cũng chưa bao giờ rời bỏ.

Ngụy Ly luôn gọi y là Tiểu Viên, cho đến một hôm kia, gắn gặp được công tử nước Trịnh, một người lúc đó khổ sở bao nhiêu vẫn lì lợm bảo vệ cho lòng tự tôn sau cuối. Viên Duẫn Đàn ấn tượng mãi với đôi mắt của cậu. Trong ánh mắt ấy có bao nhiêu nỗi buồn chất chứa không thể nói ra, nhưng là ánh mắt trong trẻo nhất mà Viên Duẫn Đàn từng thấy.

Thế rồi y biết, Thái tử mượn họ Viên của mình để bông đùa với công tử nước Trịnh. Kể từ hôm ấy, Ngụy Ly bắt đầu gọi y là Duẫn Đàn, như mọi vị quân thủ nhân từ khác gọi y là ái khanh.

Quả thật, đối với cả Trịnh Uyên và Ngụy Ly, tiếng gọi "Tiểu Viên" có hàm ý riêng mà Viên Duẫn Đàn không thể can dự, nên cũng không thể tùy tiện dùng nữa. Mỉa mai thay, tình cảm rõ ràng chỉ riêng của hai người bọn họ, nhưng chẳng biết sao luôn có một người thứ ba hiện hữu, tựa hồ ngay từ đầu buồn vui ly hợp của ba người nhất định phải quấn chặt vào nhau.

Viên Duẫn Đàn luôn tin rằng y bảo vệ Trịnh Uyên là bảo vệ Thái tử. Dù cho vi phạm mệnh lệnh của Cẩn Hâm đế mà thả Trịnh Uyên về nước, y vẫn đang giữ gìn một góc dịu dàng không muốn ai biết đến trong lòng Ngụy Ly. Song, khi Trịnh Uyên nhìn y đăm đăm ở biên giới hai nước Ngụy, Trịnh, chợt y nhận ra rằng đôi mắt ấy đã trôi hết tất thảy buồn vui thương đắng, giờ đây đã trong suốt vô cùng.

Nhưng cái trong suốt này không phải sự trong trẻo thuở nào nữa.

Viên Duẫn Đàn cảm thấy tim gan tan nát, nhưng không phải bởi Ngụy Ly, mà là cho Trịnh Uyên.

Nhưng y chỉ đoạn đành mà cười nhạt, dõi theo cỗ xe chở Trịnh Uyên lộc cộc đi về hướng những lá cờ thêu hổ vồ viền xanh. Y chực nói gì, nhưng không thể thốt ra. Khoảnh khắc ấy, y nghĩ mình không quan tâm đến bất cứ điều gì, rồi dường như bất cứ điều gì cũng làm y đau đáu.

Ba năm sau, Trịnh Uyên lên ngôi, liên Tề phạt Ngụy. Chủ soái nước Tề là một thiếu niên chưa tròn đôi mươi, đôi mắt cậu ta ấp áp sáng ngời.

Viên Duẫn Đàn thở dài sâu kín. Người thiếu niên ấy là tướng tài hiếm gặp, thế nhưng cậu ta quá nhân từ trên chiến trường. Y không ngờ tới cũng có một ngày đôi mắt ấm áp kia chất chồng thù hận.

"Là ngươi làm tổn thương Hoàn vương điện hạ."

Thiếu niên kia đối diện với y mà gằn từng câu chữ. Cậu ta không hỏi, cậu đang tuyên án.

Bỗng dưng Viên Duẫn Đàn ngưỡng mộ cậu.

Thương mến một người, có thể giữ gìn tất cả buồn vui thương đắng của mình cùng người ấy - kiểu yêu hận ấy rõ ràng, quyết liệt biết bao. Mãi mãi, Viên Duẫn Đàn không thể nào có. Thứ y sở hữu là cam kết với tổ phụ và phụ thân, trách nhiệm với toàn bộ hầu phủ, là trung thành tuyệt đối với Ngụy Ly, là ân cần bảo vệ Trịnh Uyên. Tất thảy chúng hợp thành một tảng đá nặng trĩu đè lên tim gan Viên Duẫn Đàn.

Tiến không được, lùi không xong. Buông không ra, rời không nổi, càng không thể chọn lựa thứ nào là quan trọng nhất.

Y phải đau đáu cho mọi điều, nhưng hình như không có điều gì là quan trọng.

Lúc ấy, Viên Duẫn Đàn cảm thấy rằng nếu y chết dưới mũi thương của người thiếu niên này có thể là một kết quả tốt.

Phàm ai gặp qua Viên Duẫn Đàn, dù là địch hay bạn, đều phải thừa nhận rằng y thật sự là quân tử. Bình tĩnh trước mọi vinh nhục, hòa nhã trong mọi hoàn cảnh. Thần thái trên khuôn mặt y luôn ấm áp, ung dung.

Hậu thế bình luận rằng, Cẩn Hâm đế độc đoán đa nghi. Dù là trọng thần trong triều, Viên Duẫn Đàn phải cẩn thận mọi lúc. Hầu vua như gần cọp, không ngày nào ngủ yên. Thoạt nhìn rạng rỡ xiết bao, thực ra đắng cay khôn kể.

Sự thận trọng của Viên Duẫn Đàn khiến không ai bắt bẻ được y lúc sinh thời ngoại trừ gút mắc với Trịnh Uyên. Những ghi chép về y trong sử nước Ngụy có thể dùng bốn chữ trung quân ái quốc để khái quát, khiến không một ai có thể đoán ra rằng vị vương khác họ duy nhất và sau cuối của Nhà ngụy đã chịu đựng những nỗi niềm nghiêng trời lệch đất kể từ khi tự thả Trịnh Uyên. Cho đến khi giang sơn đổi chủ đã hơn một năm, mọi biến cố năm ấy đã nhạt nhòa theo mưa gió, các sử gia mới soi xét những giấy tờ rải rác không rõ thực hư về Bình Loạn vương mà phát hiện ra một câu viết, nét chữ mờ nhòe, không rõ viết về điều chi.

Dưới một người trên vạn người, ngoài mặt rỡ ràng, trong dạ ôm đau.

Hết

Chú thích

Tên gốc: Kỳ áo (淇奥). Áo trong ẩn áo, là sâu xa, khó hiểu. Mình tạm dịch thành điềm triệu theo nội dung ngoại truyện.