Những viển vông trôi vào đêm | Đêm thứ nhất

Những viển vông trôi vào đêm

Tôi mở mắt vào giữa đêm ban đêm và phát hiện ra mình chưa bao giờ ngủ.

Suốt cả quãng thời gian ấy, không khí trên những mái nhà lúc nào cũng quện một thứ hơi nóng uốn éo, ngột ngạt và kỳ quặc. Nhiều lần tôi đã phải trở dậy khỏi giường, kéo rèm cửa sổ lại bất chấp cái nóng đang vây bủa. Chỉ bởi tôi không thích nhìn những mái nhà trong phố oằn mình dưới sức nóng của một khí quyển ứ đầy. Tôi thở dài. Đến một lúc nào đó tiếng thở bắt đầu độc chiếm căn phòng này. Tôi phát hiện ra cả đêm và nhiều đêm nay tôi chưa bao giờ ngủ. Hơi nóng. Rèm cửa buông xõa xuống và thế là bóng tối. Tôi đi lấy nước và bắt đầu ngồi trên tràng kỷ để ngắm những viển vông của mình trôi tuột qua ngoài kia.

Đêm thứ nhất, 1:35am


An Dao nói với tôi rằng em vừa chia tay với người yêu.

Có lẽ cơn mất ngủ của tôi bắt đầu từ đấy.

An Dao hẹn tôi ra một quán nước nằm dưới chân cầu rồi nói với tôi rằng em vừa mới chia tay người yêu. Tôi ngồi vạ vật trên ghế sau những ngày làm việc quá căng thẳng. Tôi chẳng còn hơi sức đâu mà đau buồn vì chuyện An Dao chia tay với người yêu. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn ra quán nước nằm dưới chân cầu ấy, chờ An Dao xuất hiện và lắng nghe tất cả những gì em nói.

An Dao đến vào lúc ba giờ chiều. Trời bắt đầu nổi gió lao xao quanh quán nhỏ. Tôi nhắm mắt và nghĩ những đợt gió thốc này hẳn phải bắt đầu từ biển cả. Những cơn gió nồng ấm xoay tròn, xoay tròn và càn quét qua những luồng nước biển. Trên mặt nước không khí xao động, ma sát nhau. Dưới lòng nước những bầy cá cơm tan tác. An Dao xuất hiện và bầy cá cơm chợt biến mất vào một bóng đen sâu tối giữa lòng cơn bão trong trí tưởng tượng của tôi. Trong tịch mịch, An Dao ngồi xuống, vén tóc đang bị gió thổi loà xoà trên trán.

“Cà phê nhé.”

“Em uống thêm sữa.”

Trong lúc chờ cà phê, chúng tôi ngắm nhìn bờ kè gần sông. Tôi nhìn cái gạt tàn xỉn màu trên bàn, cảm thấy không muốn hút thuốc. Chợt tôi nhận ra tình yêu của tôi dành cho An Dao chưa bao giờ thay đổi. Vẫn là một cảm giác chịu đựng và tự nguyện. Không đòi hỏi, không ao ước, không trông mong gì từ em. Mãi mãi, tôi sẽ ngồi cạnh em khi em cần, lắng nghe khi em muốn, và cô đơn vĩnh viễn khi nghĩ đến việc em đang ở đâu đó không có mặt tôi trên thế giới này.

Nước được bê đến, An Dao bắt đầu kể cho tôi nghe em chia tay với người yêu như thế nào.

“Anh này, em chia tay Nguyên rồi.”

“Ừ.”

“Cũng chẳng có gì to tát. Xét cho cùng việc mất đi một ai đó vào một thời điểm nhất định không phải là chuyện đáng cho người ta bận lòng. Cuộc sống mà, những con người luôn đi qua nhau và không ai dừng lại vì ai.”

“Ừ.”

“Một hôm Nguyên bảo với em rằng Nguyên ước mơ mua một căn nhà gần biển. Một biệt thự sơn trắng, kiến trúc hơi thiên lối Sicily với thật nhiều khoảng trống. Nhà xe thật rộng, đủ chỗ cho xe của em và xe của Nguyên. Một coupé và một sedan. Giấc mơ đẹp thật. Nhưng chỉ có Nguyên mua được xe thôi. Em thì không. Với em, chuyện mơ đến một ngôi nhà sang trọng và xe mới toanh đậu trong sân giống như con nít mơ có ông tiên vậy. Nhưng Nguyên bảo không sao, Nguyên lo cả. Anh ấy nói chúng em sẽ ở đó, dạo biển mỗi ngày và lên xe đi chơi xa bất cứ lúc nào chúng em muốn. Còn ngôi nhà sẽ luôn nằm yên bên bờ biển, luôn luôn đón mừng chúng em về. Buổi tối, sedan của Nguyên và coupé của em nằm cạnh nhau, những động cơ lặng yên trong khi chúng em vùi đầu vào cổ nhau và ngủ say đến sáng.”

“Biết đâu em cứ nghe lời Nguyên xem, rồi giấc mơ ấy sẽ thành sự thật nhanh lắm.”

“Có thể.” An Dao cười.

“Rồi em nhận ra mấy thứ như vậy quá xa cách với em, còn Nguyên là một thằng kiêu ngạo hãnh tiến nên hai đứa đã bỏ nhau?”

“Chính xác là em rời bỏ Nguyên.”

“Ừ.”

“Và đúng thật, vì Nguyên là một thằng kiêu ngạo nên em đã rời bỏ Nguyên.”

“Anh hiểu.”

“Không, anh không hiểu.”

“Sao cũng được.”

“Vâng.”

Nói đến đấy thì trời bắt đầu mưa. Thật kỳ cục là giữa sức nóng thiêu đốt này một cơn mưa vẫn đủ can đảm để rơi xuống. Tôi biết là câu chuyện kết thúc ở đó. Bên trời có tiếng sấm gầm, chẳng mấy chốc sau một tia chớp xé toạc bầu trời, báo hiệu cơn mưa sắp trở thành giông tố. Tôi  mau chóng uống cạn ly cà phê đá của mình, chợt nghĩ sự trống trải này đại loại là số phận. Nếu đã thế, tôi có chống cự cũng vô ích. Am Dao hẳn cũng đồng tình, rằng tôi sinh ra đã có thiên bẩm rằng mình sẽ luôn trống trải. Nên dẫu em có chia tay Nguyên thì sự kiện ấy đại để giống như một sự vẩn vơ, có cố gắng phản ứng cũng không để làm gì.

“Về nhé.”

“Vâng.”

Bất chấp giọng miền Nam rất mỏng, An Dao luôn nói “vâng” với tôi.

Chúng tôi ra khỏi quán cà phê và bắt đầu đi bộ dưới các hàng hiên đông nghẹt người trú. Rồi một lúc, An Dao dừng lại, tạm biệt tôi rồi biến mất giữa những mớ áo mưa xanh đỏ.

 

3 am.

Tôi mở nhạc.

Tôi loay hoay trong phòng tối, nối đầu lọc tín hiệu vào chiếc ampli đèn, rồi trong ánh đèn dây tóc bắt đầu tỏ thì nối tiếp hệ thống từ máy tính sang đầu lọc, ampli rồi ra loa. Hệ thống này lẽ ra là dành cho một chiếc tai nghe từ phẳng, nhưng tai nghe vừa hỏng tháng trước mà tôi lại cần dùng tiền cho việc khác, nên chỉ đành lôi bộ loa cũ từ trong thùng ra dùng tạm. Hẳn nhiên là không tối ưu, nhưng nếu để nghe nhạc lúc ba giờ sáng với âm lượng thật nhỏ thì không đến nỗi nào.

Tôi mở một danh sách nhạc thường mở vào những buổi khuya. Có khi tôi đã nghe những bài nhạc này qua rất nhiều đêm rồi. Không biết nếu có linh hồn thì chúng có thấy tôi là một thằng nhàm chán vô vị hay không. Nhưng tôi chưa bao giờ chán chúng cả. Danh sách ấy là cuốn biên niên sử tinh thần của tôi, và mỗi đêm tôi lại quay về đúng thời khắc khởi đầu của chính mình từ nhiều năm trước.

Ave Maria - Caccini

Spiegel en Spiegel - Avro Part

Chaccone in G Minor - Vitali

Tears in rain - Vangelis

God moving under the face of the water - Moby

Tôi đã bắt đầu nghe nhạc từ những bài thế này đây. Kể ra đó chẳng phải là một khởi đầu êm xuôi cho lắm. Nghe Tears in rain thứ lúc còn ngây ngô, chưa biết gì về sức tấn công khủng khiếp của âm nhạc và chưa biết cách bảo vệ cảm xúc cá nhân thì cầm như tự tử về tinh thần. Kiểu như chớp mắt đã thấy dưới chân là sông dữ và mình đột ngột nhảy xổ vào lòng sông ấy một cách cam tâm tình nguyện. Bản nhạc ấy khiến những năm thiếu thời của tôi thường xuyên đau buồn một cách khó hiểu, rồi lại có những ngày đầy ắp thứ cảm giác yêu thương cuộc đời khốc liệt ngoài kia. Kiểu gì thì kiểu, dần dà tôi chìm đắm vào những thái cực ấy và ráo riết theo đuổi chúng trong suốt hành trình nghe nhạc.

Bây giờ, sau rất nhiều năm, tôi vẫn tìm kiếm những cảm xúc cực đoan nhất trong các bản ghi âm khắp thế giới. Tôi khuyên nếu bất cứ ai có ý định đưa âm nhạc trở thành một phần trong cuộc đời mình thì đừng khờ khạo như tôi.

Chỉ trừ một việc. Tôi thật lòng mong những cô cậu tuổi hai mươi nên nghe Ave Maria của Vavilov một lần. Đừng nghe ai khác, hãy nghe bản của Irene Bogachyova thu âm năm 1974 thời Xô Viết. Bản nhạc ấy không có dàn giao hưởng nhiều lớp lang, không có vòm âm thanh căng tràn kiểu thính phòng nhà hát, mà chỉ có tiếng guitar gỗ như dang dạo bước trên những ký ức cũ mèm đậm mùi Mát-xcơ-va, thêm một chút tiếng organ ẩn hiện như sương mù trên bờ tường một nhà thờ cũ. Giọng hát trầm như bụi lưu cũ trong thời gian. Mỗi lần nghe, tôi thấy trái tim mình sụp đổ và từ đó chảy ra thứ tình yêu nồng nàn khôn xiết.

Tôi yêu em – Như Puskin đã viết, yêu em.